Personal Statement

Quá trình apply đi du học thường là một quá trình áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Bởi vì, mọi người ai cũng phải điền những form dài dòng, hoàn thành bài vở, thi cử trên lớp, và đồng thời thực hiện biết bao việc để tăng cơ hội cho bản thân.

Chắc rằng, ai cũng có những to-do list và những bài thi thử để làm, chưa kể đến những lời khuyên trái phải tới tấp từ bao người khác để nghe nữa nhỉ? Chắc rằng, ai cũng đã trải qua những khóa luyện thi TOEFL và SAT, những lần làm hoạt động ngoại khóa, hay thậm chí cả những lần đi thực tập để chứng tỏ trách nhiệm của bản thân nhỉ?

Ôi nếu đi du học chỉ đơn giản thế thì tốt biết mấy. Mỗi tội, đời có đâu là mơ.

find a cafe (or whatever spot is perfect for you). contemplate what makes you...YOU. Write some stuff down.
hãy tìm một quán cà phê (hoặc một nơi nào đó). và suy nghĩ. cái gì làm bạn là BẠN? suy nghĩ, và ghi chú lại vài thứ.

Thực ra, chả có nguyên mẫu nào cho một bài viết hay cả – và cái hay nằm ở chỗ đó. Mục đích của bài luận personal statement là để cho nhà tuyển sinh thấy được một cái gì đó mang tính nội tâm, để cho họ thấy được bạn là ai, thay vì những điểm số bạn có và các hoạt động bạn làm. Đây là lúc bạn cho họ thấy con người bạn muốn trở thành, những điều thôi thúc bạn và những gì mà bạn quan tâm bằng cả trái tim. Vì, cái mà bạn muốn đạt được khi viết bài luận này (ngoài việc truyền tải xem bạn là ai, đương nhiên rồi) là để cho những con người quyết định số phận của bạn cảm thấy hào hứng, thích thú và lôi cuốn.

Cũng chính vì việc thiếu đi một dàn bài nhất định nên học sinh thường hỏi tôi xem mình nên viết về đề tài gì. Tại, dường như chả có gì hay ho hay xứng đáng để chọn làm chủ đề chính cả.

Thực ra, bài luận này là để cho mọi người biết rằng bạn là ai, để cho mọi người biết được tâm hồn của bạn. Nó không nhất thiết phải là về hoạt động ngoại khóa hoành tráng nhất hay về mức độ tận tâm trong học tập và công việc của bạn, và đặc biệt không phải là chỗ để tính toán bày mưu. Mà, đúng hơn, đây là lúc bạn được kể câu chuyện của mình, hay chí ít là một phần nhỏ của nó. Đây là lúc bạn được thành thật với chính mình mà không phải giấu diếm điều gì, là lúc bạn nghĩ xem bây giờ bạn là ai và sẽ là ai trong tương lai.

Điều này chắc hẳn phải ngạc nhiên lắm đối với những gia đình đang có ý định cho con vào trường đại học tốt nhất với mức học bổng cao nhất. Nhưng tôi hứa với bạn rằng đây chính xác là điều mà họ muốn: chính là bạn, chân thật, toàn vẹn mà không là ai khác.

Nghĩ kỹ hơn một chút, bài luận mà bạn nộp đi chắc hẳn sẽ là bài luận có nhiều cơ hội để thay đổi cuộc đời bạn nhất nhỉ? Và tôi nghĩ đây cũng là lý do mà mọi người thường hay lo, hay sợ – làm thế nào để cho người khác thấy bạn là ai này và bạn thích gì này và viết một cái gì đó “đặc biệt” này  và làm tất cả những điều đấy trong vỏn vẹn 650 chữ hay ít hơn? Vì, nhắc lại, mục đích của bài luận “là để cho những con người quyết định số phận của bạn cảm thấy hào hứng, thích thú và lôi cuốn.” Rốt cuộc thì, bạn cũng chỉ muốn được lắng nghe bởi một con người ở đầu kia của thế giới, một con người mà đọc đến tận 10 hay 20 bài personal statement mỗi ngày. Khó ra phết đấy chứ?

Nhưng mà, cho dù độc giả là ai, bạn thực ra cũng chỉ muốn được thấu hiểu bởi một con người lạ. Chúng ta đều có những nỗi sợ và những nỗi lo lắng riêng, đều tự hào về một hay nhiều khoảnh khắc nào đó trong đời, đều có những người yêu thương. Người đọc bài luận của bạn có đến từ một nền văn hóa khác hay từ một thế hệ khác cũng không quan trọng; chúng ta đều đáp lại sự chân thật và những cảm xúc tự nhiên đến từ con tim. Chính vì thế mà bạn không phải phán đoán xem điều gì sẽ được coi là ấn tượng hay to tát trong mắt họ, mà ngược lại, bạn chỉ cần tự nhiên, cởi mở và thành thật trong chủ đề mà bạn chọn, bất kể nó là gì. Cũng như khi một bộ phim hay vậy, một bài luận thành công sẽ kết nối được độc giả tới nội dung mà bạn viết, tới những nhân vật, tới cốt truyện mà bạn chọn. Cái mà bạn đang tìm kiếm là sự liên kết này, và nói thật, bạn chỉ cần là chính mình là được rồi.

Chọn chủ đề

Cách tốt nhất để tìm được một chủ đề ưng ý là có nhiều lựa chọn khác nhau, rồi suy nghĩ xem cái nào được còn cái nào không. Nếu bạn đã có một vài ý tưởng rồi, hãy viết một vài câu văn về chúng ra giấy. Còn nếu bạn đang bị bí, bạn nên xem các đề essay năm 2013 của Common App, và nghĩ ra các chủ đề khả thi cho ít nhất ba đề bài.

Tiếp theo thì bạn viết. Nhưng không phải là viết thông thường mà là viết một cách tự do – bạn sẽ ngồi vào bàn, đặt một khoảng thời gian, chọn một chủ đề nào đó, và cứ viết thôi, không màng đến câu cú hay cấu trúc gì cả. Nếu bạn lạc đề hay dài dòng, đừng dừng lại mà cứ tiếp tục. Kể cả bạn viết ra các gạch đầu dòng về các việc liên quan cũng chả sao. Chính sự tự do này sẽ cho bạn khả năng để kết nối các sự việc với nhau, và dần dần bạn sẽ loại đi được những thứ mà bạn cảm thấy khó khăn khi phải viết về chúng, những điều mà bị gò bó bởi các khuôn khổ liên quan đến độ dài đoạn văn hay lựa chọn từ ngữ. Hãy cứ tiếp tục làm việc này, tốt nhất là trong các quãng thời gian khác nhau, để cho bạn không sa vào các chủ đề trước. Thật đấy, tin tôi đi: việc để cho não bạn nghỉ ngơi sau khi viết sẽ đem lại kết quả tốt hơn rất nhiều.

Khi bạn đã viết xong rồi, hãy nghĩ xem, điều gì mà làm bạn cảm thấy thích thú nhất? Có cái gì đến một cách tự nhiên và dễ dàng hơn các cái khác không? Nhiều khi một chủ đề có thể hứa hẹn ban đầu, nhưng sau một đoạn văn thì lại đâm vào một ngõ cụt, hoặc lại làm bạn nghe như bị tự tin một cách thái quá. Thử nghĩ xem, mỗi chủ đề sẽ mang đến cho người đọc ấn tượng gì về bạn? Và, hay nói rõ hơn, bạn muốn cho người ta thấy những gì về mình? Ví dụ nhé, bạn muốn viết về một quyết định khó khăn mà bạn đã đưa ra, và muốn người đọc thấy rằng bạn là một người chín chắn và biết suy nghĩ. Câu chuyện của bạn đã truyền tải được điều đó chưa?

Khi đặt bút

Bạn hãy chọn chủ đề hứa hẹn nhất, chủ đề mà bạn thích nhất, rồi bắt đầu từ đó. Hãy lập ra một cái dàn ý về những điều mà bạn định nói, quyết định những ví dụ mà bạn muốn sử dụng trong bài viết, đồng thời nghĩ xem bạn muốn câu chủ đề hay câu kết của mình là gì. Điều này sẽ khiến bạn tránh đi sâu vào phần tự sự, kể chuyện và giúp bạn có được những luận điểm chắc chắn.

Nhưng, cuối cùng, bạn vẫn phải viết thôi. Bạn nên giữ lại bản nháp đầu tiên – cho dù nó có ra sao – để sau này quyết định xem mình muốn mở rộng hay thu hẹp phần nào, hay những ví dụ gì là hay nhất. Cứ viết đi bạn ạ. Đừng lo lắng quá về số từ làm gì cả, sau này bạn có thể cắt bớt được mà. Thật đấy, cứ viết đi.

Các lối viết khác nhau

Một bài văn thường có nhiều lối viết khác nhau, hòa quyện vào nhau, nâng đỡ lẫn nhau, bổ trợ cho nhau. Sau khi bạn đã viết xong bản nháp đầu tiên rồi (chúc mừng!), hãy cho bản thân một ngày nghỉ đi đã. Rồi, khi bạn quay lại với bài luận đấy, hãy đọc nó một mạch từ đầu đến cuối trước khi bắt đầu chỉnh sửa. Tôi thì thích đọc thành tiếng hơn, vì nó giúp tôi đọc chậm lại để xem xem các câu chữ đi với nhau có hợp lý không, nhưng tùy bạn chọn. Để ý xem bài viết của bạn có ba lối hành văn này chưa nhé, đây cũng là cách đầu tiên để chỉnh sửa đó:

Miêu tả: Đây như là kể chuyện ý. Bạn gọi nó là trần thuật hay cái gì khác đều được, vì lối viết này sẽ cho người đọc các thông tin cần thiết. Cái gì đã xảy ra? Vào lúc nào? Bạn đã làm gì? Bạn thích viết bằng bút chì hay là bút bi hơn? Chi tiết bạn ạ, chi tiết.

Tự sự: Lối viết này sẽ giúp bạn bày tỏ cảm xúc của mình. Và, cảm xúc của bạn sẽ chân thật hơn nhiều khi người đọc thấy những gì bạn thấy, cảm được những gì bạn cảm, thay vì nghe lời bạn nói. Nếu như bạn nói về lần tranh luận đầu tiên của mình, người đọc sẽ thấy rằng “tim tôi bỗng dưng đập nhanh hơn một chút, tay của tôi thì bắt đầu run, và tôi cảm tưởng như mình sắp ngất đến nơi rồi” truyền cảm hơn rất nhiều so với “tôi rất lo lắng”, cho dù bạn có dùng bao nhiêu chữ rất đi nữa. Con người ta đều cảm thấy những điều khác nhau khi ở trong một trạng thái cảm xúc nhất định, và bạn càng giải thích được những gì bạn trải qua thì người đọc sẽ càng cảm thấy chúng rõ hơn.

Nghị luận: Cuối cùng, văn nghị luận sẽ giúp bạn liên kết câu chuyện của mình tới một bài học, một bức tranh lớn hơn. Bạn có rút ra được điều gì không? Nhận ra một điều gì đó về cách con người sinh hoạt và ứng xử với nhau? Câu chuyện nào, cho dù có riêng tư đến đâu, cũng đều có một cách để liên kết với những con người khác, tới một cái gì đó tổng quan hơn. Một câu chuyện mà có thể làm cái kết nối đó thể hiện rõ ra sẽ nghe to lớn hơn nhiều so với một câu chuyện về chính bản thân bạn.

Công đoạn chỉnh sửa

Bạn nên nói trước cho những người sẽ đọc bài luận của mình rằng bạn đang muốn biết điều gì từ họ – điều này sẽ giúp bạn có được những phản hồi và ý kiến tốt hơn. Tôi biết, chẳng có gì buồn và đáng nản hơn bằng việc nhận lại một tờ giấy chi chít những gạch xóa liên quan đến cấu trúc, ngữ pháp và từ ngữ khi bạn đang tập trung vào cách liên kết đoạn và mạch văn cả. Hãy nghe theo những gợi ý mà bạn thấy hợp lý, rồi bỏ ngoài tai những cái còn lại. Nếu bạn định cho ai đọc lại lần hai, nhớ giải thích (một cách từ tốn) rằng bạn đã tiếp thu ý kiến của họ những chỗ mà bạn đồng ý với người ta. Cái giai đoạn này chẳng vui vẻ gì cả, nhưng nó rất cần thiết. Vì, tôi chưa gặp bất cứ bài luận hoàn chỉnh nào mà có dưới ba bản nháp cả, cho dù những thay đổi về sau chỉ mang tính tiểu tiết.

Có một điều cũng quan trọng không kém là người đọc phải hiểu được những gì bạn muốn truyền tải. Nếu đó là bố mẹ của bạn chẳng hạn, đừng quên giải thích trước cho họ những gì cần thiết để có một bài luận hay mà bạn biết. Bởi vì, đôi khi những người trong gia đình của bạn (cho dù họ đều có ý tốt) sẽ cho rằng những gì bạn viết về là quá nhỏ nhặt, quá bình thường – mà những điều nhỏ bé lại là những điều chân thành, tường tận, mạnh mẽ nhất.

Đôi lời cuối

Trong những lúc cố gắng để viết nên một bài luận thật hay, nhiều người sẽ quên đi mất mục đích thực sự của personal statement là gì. Giữa một rừng hồ sơ đầy những con số, giữa muôn vàn cách so sánh học sinh khác nhau, 650 chữ đấy chính là chỗ để bạn cho thấy cái tôi và cá tính của bản thân. Bạn có đam mê điều gì không? Hay yêu thích một ai đó? Còn đâu khác để bạn thể hiện điều đó nữa?

Khi mọi người cố gắng để tỏ ra độc đáo và nổi bật, bài luận sẽ mất đi chất tự nhiên vốn có của nó. Nhưng khi mục tiêu của bạn là để thể hiện một cái gì đó của bạn và chỉ riêng bạn, để chia sẽ một cái gì đó riêng tư, thành tâm, thật lòng… sự độc đáo sẽ bắt nguồn từ đó mà ra. Kể ra cũng hay ho ra phết.